Hội thảo khoa học về khai thác thương mại sáng chế: Đánh giá và khai thác tiềm năng của các tài sản trí tuệ
Ngày 31/10, tại Trường Đại học Luật, Đại học Quốc gia, tổ chức hội thảo khoa học “Hoàn thiện pháp luật khai thác thương mại sáng chế phục vụ đổi mới sáng tạo tại Việt Nam”. Hội thảo có sự tham gia của KS. Lê Ngọc Tĩnh - Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội; ThS. Nguyễn Thị Thu Trang - Phó Ban tổ chức Hiệp hội, cùng nhiều chuyên gia và đại diện từ Cục Sở hữu trí tuệ, Cục Phát triển Thị trường và Doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ... Đặc biệt, tại Hội thảo có sự tham gia của PGS.TS. Phan Quốc Nguyên, Giảng viên trường Đại học Luật đồng thời cũng là hội viên Hiệp hội những người Lao động Sáng tạo Việt Nam (VLCA).
PGS.TS. Phan Quốc Nguyên - TB Đối ngoại của Hiệp hội với đề tài “Hình thức khai thác thương mại sáng chế và lịch sử phát triển khai thác thương mại sáng chế.”
Hội thảo được tổ chức nhằm mục đích thảo luận và tìm kiếm các giải pháp cải cách pháp lý trong lĩnh vực khai thác thương mại sáng chế, một yếu tố then chốt trong việc thúc đẩy đổi mới sáng tạo tại Việt Nam. Với bối cảnh kinh tế toàn cầu đang thay đổi nhanh chóng, việc hoàn thiện khung pháp lý không chỉ giúp bảo vệ quyền lợi cho các nhà sáng chế mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp khởi nghiệp, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ và nghiên cứu phát triển.
Các chuyên gia và khách mời tham gia dự hội thảo.
Tham luận đầu tiên được trình bày bởi PGS.TS. Phan Quốc Nguyên, với nội dung “Hình thức khai thác thương mại sáng chế và lịch sử phát triển khai thác thương mại sáng chế”. Tham luận đầu tiên cung cấp cái nhìn toàn cảnh về các hình thức khai thác thương mại sáng chế, từ các mô hình cấp phép, chuyển nhượng đến các hình thức hợp tác liên doanh. Đồng thời, PGS.TS. Phan Quốc Nguyên cũng điểm lại quá trình phát triển của lĩnh vực này trên thế giới, phân tích những thay đổi và xu hướng chính trong việc sử dụng sáng chế như một công cụ thúc đẩy kinh tế tri thức.
Tiếp theo, TS. Vương Thanh Thúy đã chia sẻ nội dung về “Pháp luật khai thác thương mại sáng chế phục vụ đổi mới sáng tạo tại Việt Nam”. TS. Hoàng Hạnh đã giới thiệu những chính sách và kinh nghiệm của Trung Quốc trong lĩnh vực khai thác thương mại sáng chế, đặc biệt là các quy định pháp lý và cơ chế bảo hộ sáng chế mạnh mẽ. Tham luận tập trung vào cách thức mà các doanh nghiệp và tổ chức nghiên cứu tại Trung Quốc tận dụng hệ thống pháp luật để thúc đẩy đổi mới sáng tạo thông qua thương mại hóa sáng chế.
TS. Nguyễn Thị Hoàng Hạnh đã chia sẻ nội dung về “Pháp luật khai thác thương mại sáng chế phục vụ đổi mới sáng tạo tại Trung Quốc.”
Sau phần giải lao, TS. Nguyễn Thị Hoàng Hạnh đã chia sẻ nội dung về “Pháp luật khai thác thương mại sáng chế phục vụ đổi mới sáng tạo tại Trung Quốc.” So sánh kinh nghiệm của Trung Quốc với Việt Nam sẽ mở rộng cái nhìn về các mô hình pháp lý hiệu quả, cung cấp bài học kinh nghiệm quý báu cho Việt Nam.
Cuối cùng, ThS. Phùng Minh Hải sẽ chia sẻ về “Một số kinh nghiệm về khai thác thương mại sáng chế phục vụ đổi mới sáng tạo trên thế giới”. ThS. Minh Hải đã chia sẻ các mô hình khai thác sáng chế từ các quốc gia tiên tiến trên thế giới như Hoa Kỳ, Nhật Bản, và Hàn Quốc, nhấn mạnh tầm quan trọng của các chính sách hỗ trợ và hệ thống khuyến khích tài chính trong việc thúc đẩy khai thác sáng chế. ThS. Hải cũng nêu lên một số bài học mà Việt Nam có thể học hỏi để cải thiện hệ thống pháp luật và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp khai thác sáng chế hiệu quả.
Chia sẻ tại hội thảo, ông Lê Ngọc Tĩnh - Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội VLCA đánh giá cao nội dung buổi hội thảo rất kịp thời, đáp ứng đúng mong mỏi của nhiều cá nhân, tổ chức có kết quả sáng tạo. Những nội dung thảo tại hội thảo đáng ứng kịp thời yêu cầu của những người có kết quả sáng tạo muốn đăng ký bảo hộ độc quyền...
Cùng với đó, Ông Đinh Văn Hoàng – Viện trưởng Viện Phát triển Doanh nghiệp và Chính sách cho rằng, có thể nêu lên vấn đề về việc phát triển sàn giao dịch sở hữu trí tuệ nhằm thúc đẩy thương mại hóa kết quả nghiên cứu. Ông nhấn mạnh rằng việc này không chỉ giúp kết nối các nhà nghiên cứu với doanh nghiệp mà còn tạo ra một nền tảng minh bạch, dễ tiếp cận cho việc mua bán và chuyển nhượng quyền sở hữu trí tuệ. Điều này sẽ góp phần gia tăng giá trị thương mại từ các phát minh và sáng chế, thúc đẩy sự đổi mới sáng tạo tại Việt Nam.
ThS. Phùng Minh Hải sẽ chia sẻ về “Một số kinh nghiệm về khai thác thương mại sáng chế phục vụ đổi mới sáng tạo trên thế giới”
Phần thảo luận sẽ diễn ra sau các tham luận, các đại biểu và chuyên gia trao đổi ý kiến về các vấn đề thực tiễn trong lĩnh vực khai thác thương mại sáng chế. Những vấn đề như quy định bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, cách tiếp cận sáng chế từ góc độ doanh nghiệp, và các khó khăn trong thực thi pháp luật đã được đưa ra. Các chuyên gia cũng nhấn mạnh sự cần thiết của việc kết hợp giữa chính phủ, doanh nghiệp, và các tổ chức nghiên cứu để thúc đẩy thương mại hóa sáng chế, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Hội thảo khoa học về khai thác thương mại sáng chế đã mang đến một diễn đàn quan trọng để các nhà nghiên cứu, doanh nghiệp, và cơ quan quản lý cùng thảo luận về tiềm năng và thách thức trong lĩnh vực này. Qua đó, các bài học kinh nghiệm quốc tế và các tham luận chuyên sâu đã gợi mở nhiều hướng đi mới cho Việt Nam. Với sự hoàn thiện của khung pháp lý và sự hợp tác chặt chẽ giữa các bên liên quan, thương mại hóa sáng chế hứa hẹn sẽ trở thành động lực quan trọng thúc đẩy đổi mới sáng tạo và phát triển kinh tế bền vững tại Việt Nam.
Thu Trang – Nguyễn Châu