Niềm say mê nghiên cứu của người cựu chiến binh
VLCA - Trong ngôi nhà nhỏ nằm trên phố Kim Mã, Hà Nội, ông Nguyễn Tài Thanh đã dành cho chúng tôi cuộc trò chuyện thật ấm áp và chân tình. Những tâm sự về niềm đam mê nghiên cứu phát hiện ung thư sớm bằng phương pháp đo huyết áp của ông, chúng tôi hiểu rõ hơn tâm huyết của người yêu lao động, sáng tạo.
Giọng nói ấm áp, gương mặt hiền từ, tác phong nhanh nhẹn cùng tính cách hào sảng khi giao tiếp, không ai nghĩ năm nay ông Nguyễn Tài Thanh đã gần 80 tuổi. Là người lính trưởng thành từ quân ngũ, hơn 40 năm công tác ông đã góp phần công sức không nhỏ trong lĩnh vực tác chiến điện tử thuộc Bộ Tham mưu - Quân chủng Phòng không Không quân.
Ông Nguyễn Tài Thanh tâm sự: “Quãng thời gian công tác trong quân đội là môi trường lí tưởng để tôi rèn tính kỉ luật, sự kiên trì, bền bỉ, nhất là tác phong làm việc nghiêm túc, trách nhiệm”. Trở về đời thường, với cái tâm của người quân nhân say mê lao động, sáng tạo, ông Thanh lại có thêm thời để theo đuổi đam mê của mình.
Ông Nguyễn Tài Thanh (bên trái) cùng vợ và con trai
Trò chuyện với chúng tôi, đôi mắt ông đầy suy tư khi nói về nghiệp nghiên cứu phát hiện ung thư sớm bằng phương pháp đo huyết áp đang dang dở. Nhận thấy, hiện nay, việc phát hiện sớm bệnh ung thư rất khó khăn, đa số các trường hợp vào viện trong tình trạng phát hiện muộn. Thế nên ông Thanh đau đáu nghĩ cách để phát hiện sớm được bệnh mà chi phí rẻ để giúp đỡ nhiều người.
Ông cho biết: “Từ xa xưa Đông y cũng có thể phát hiện được bệnh bằng phương pháp bắt mạch. Ngày nay, việc đo huyết áp rất phổ biến nên cũng cần vận dụng phương pháp này để nghiên cứu và tìm ra bệnh”. Những trăn trở đó đã thôi thúc ông Nguyễn Tài Thanh nghiên cứu về nguyên lí hoạt động để tìm ra các quy luật.
Nghĩ là làm. Ông kể: “Vì đam mê với nghiên cứu này, lại cần nhập dữ liệu nên cả ngày tôi chỉ quanh quẩn với máy huyết áp, với các chỉ số. Bởi chỉ sai lệch một nhịp là “đi một dặm”. Đều đặn mỗi buổi sáng, ông đến bệnh viện Y học phóng xạ và Ung bướu Quân đội tiếp cận các bệnh nhân đang điều trị ung thư, xin phép được đo huyết áp. Đo đến đâu, ông ghi chép tỉ mỉ, cẩn thận từng ngày giờ, từng con số, từng người cụ thể.
Trong góc phòng, chúng tôi ấn tượng bởi những cuốn sổ ghi chép được chất đầy thành từng chồng và ngày một dày lên. Với các thông số thu được buổi sáng, ông dành thời gian buổi chiều nhập dữ liệu vào máy tính. Những khi ấy, mọi người trong gia đình chỉ biết lắc đầu cười vì họ biết ông đang lang thang trong niềm say mê.
Xuất phát từ ngành tác chiến điện tử, chuyên về khí tài quân sự, không liên quan tới ngành y nhưng niềm say mê lại khiến ông hướng mình sang một lối khác. Bằng tất cả các kinh nghiệm cùng sự học hỏi ông Thanh đã dày công để tìm ra công thức, quy luật trong quá trình đo huyết áp. “Phần còn lại cũng tại bản thân là “dân không chuyên” nên quá trình thực hiện, tôi phải nỗ lực, cố gắng gấp nhiều lần”, ông bộc bạch.
Theo ông Nguyễn Tài Thanh, quá trình tiếp cận và đo huyết áp không ngại, nhưng buồn và áp lực nhất là khi trình bày ý tưởng đều nhận được sự ái ngại của mọi người. Bởi theo họ, tất cả những yếu tố trên chưa có cơ sở khoa học. Hơn nữa, nghiên cứu trong ngành y phải là những người có chứng chỉ hành nghề mới có thể hoạt động khoa học được. Bởi thế, có người từng khuyên ông: “Thôi! Đừng có gàn dở, làm được cái đấy đâu có dễ”. Nhưng cũng có nhiều người khích lệ, động viên, cộng thêm quyết tâm nghiên cứu tới cùng. Mất nhiều thời gian, qua nhiều trở ngại, ông vẫn cần mẫn tìm tòi và nghiên cứu các quy luật.
Điều ông Thanh luôn trăn trở là làm sao để nghiên cứu này được công nhận và phát triển rộng rãi đến các vùng miền trong cả nước, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, những người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn... được tiếp cận vì phương pháp này chi phí thấp.
Khi được hỏi về hướng triển khai nghiên cứu tiếp theo, thoáng chút ngập ngừng, ông Nguyễn Tài Thanh nở nụ cười hiền và nói rất nhẹ: “Tôi sẽ tiếp tục theo đuổi đến cùng, chỉ mong đủ sức khỏe để thực hiện”.
Thời gian vẫn cứ thế trôi với những hối hả, bộn bề của đời sống. Niềm đam mê bất tận với nghiên cứu, với sáng tạo và mong muốn giúp đỡ mọi người của ông Thanh vẫn nối dài chưa có điểm dừng. Nỗi sợ lớn nhất có lẽ tuổi tác và sức khỏe không cho phép ông tiếp tục với niềm say sưa sáng tạo. Với nhiệt huyết, tinh thần cùng khát khao của mình, mong ước rằng những nghiên cứu mà ông đang trăn trở sớm được công nhận và mang lại thành quả lớn lao cho cộng đồng. Để đó là phần thưởng, trái ngọt quý giá nhất của một người say mê lao động, sáng tạo.
Ánh mắt đau đáu nỗi niềm của người Đại tá cao tuổi như trùng xuống trong những khoảnh khắc lắng đọng cảm xúc. Tin rằng, với tâm huyết cùng đam mê ông Nguyễn Tài Thanh sẽ thành công trong những nghiên cứu của mình. Chia tay ông - một tấm gương thú vị về niềm say mê nghiên cứu, tôi càng thấm thía hơn lời ông chia sẻ: “Trong lao động, sáng tạo, quan trọng nhất là sự kiên trì và lòng say mê”.
Mỹ Hạnh