Tuổi 70 khởi nghiệp sáng tạo
VLCA - Khởi nghiệp không bao giờ là quá muộn đối với những ai đam mê lao động và sáng tạo. Quan điểm này của TS. Phan Quốc Việt, Phó Chủ tịch Hiệp hội Những người Lao động Sáng tạo Việt Nam; Chủ tịch HĐQT Trung tâm Tâm Việt; Chủ tịch Chi hội Nam Y Hoa Xuyến Chi (Hội Nam Y Việt Nam). Ông đã khởi nghiệp lần hai lúc 60 tuổi và ở tuổi 70 ông lại khởi nghiệp sáng tạo lần 3: Kiến tạo văn hóa huấn luyện 4D dịch chuyển đẳng cấp.
TS.Phan Quốc Việt, Phó Chủ tịch Hiệp hội Những người Lao động Sáng tạo Việt Nam (VLCA).
Bén duyên với chữ Thầy
Sinh ra và lớn lên từ vùng quê nghèo xứ Nghệ, TS. Phan Quốc Việt nói rằng ông luôn cảm thấy tự ti, mặc cảm vì “thầy u mình với chúng mình chân quê” làm sao cạnh tranh với trường chuyên lớp chọn, nhất là trường lớp trên thủ đô. Vậy nên, thi xong đại học ông xin bố cho đi công nhân, bố im lặng không nói gì, mắt rưng rung, tay run run đưa cho ông tờ giấy cử đi học ở Liên Xô.
Những năm đầu ông học ngành nghiên cứu chế tạo máy dệt ở Tashkent (Thủ đô nước Cộng hòa Uzbekistan) thuộc Liên bang Xô Viết). Đến năm cuối, ông “bị” điều lên học Đại học Tổng hợp Lomonosov Mátxcơva, khoa Địa chất, tốt nghiệp, ông nhận tấm bằng cử nhân Địa vật lý. Về nước, ông được điều về làm tại Viện Địa chất khoáng sản Việt Nam, sau đó xin chuyển ngành về Viện Dầu khí ở Hưng Yên. Năm 1984, ông bảo vệ thành công luận án tiến sĩ toán - lý.
Cháu Khôi Nguyên với tiết mục tung 8 bóng trên xe đạp một bánh.
Năm 1993 ông được bổ nhiệm làm phó văn phòng Tổng Công ty Dầu khí Việt Nam (bây giờ là Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam), rồi đảm nhận vị trí Chánh văn phòng cơ quan.
Một thời gian công tác với các vị trí khác nhau, ông quyết định ra ngoài khởi nghiệp ở tuổi 50 với công việc dạy kỹ năng sống. Ông nói “tôi dạy kỹ năng sống là tự dạy.Tôi bắt đầu khởi nghiệp dạy học bằng cách mời các bạn trẻ đến học không thu phí mà còn được ăn trưa. Dạy khá hơn, tôi tiếp tục dạy vẫn không thu phí nhưng cũng không ăn trưa…”. Và ông đã trở thành thầy của những người thầy kỹ năng mềm.
Thời gian đầu, ông thuyết phục các bạn trẻ cho ông dạy miễn phí, khi có được sự hài lòng của người học, ông mới dám thu tiền học phí. Suốt nhiều năm đi trên con đường này, ông đã trở thành diễn giả nổi tiếng đào tạo cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước. TS. Phan Quốc Việt còn là tác giả của bộ sách “Thực hành kỹ năng sống cho học sinh” và đã bán được gần 8 triệu bản.
Không bao giờ là quá muộn
Với tinh thần làm việc nỗ lực, nghiêm túc, trong thời gian ngắn, TS. Phan Quốc Việt đã giành 2 huy chương vàng và giải đặc biệt của Hiệp hội Sáng chế và Sở hữu trí tuệ thế giới. Ngày 6/5/2017, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam đã chính thức trao chứng nhận xác lập kỷ lục cho 2 học sinh tự kỷ của Tâm Việt là Nguyễn Đình Khánh Hưng, 7 tuổi, Nguyễn Khôi Nguyên, 16 tuổi và cho Công ty Tâm Việt “Đơn vị đào tạo học sinh tự kỷ đạt kỷ lục Việt Nam về biểu diễn xiếc trong thời gian ngắn nhất”. Và trao cho TS. Phan Quốc Việt kỷ lục chủ biên “Bộ sách thực hành kỹ năng sống cho học sinh tiểu học được xuất bản với số lượng nhiều nhất”.
TS. Phan Quốc Việt (giữa) và kỷ lục gia 9 tuổi Nguyễn Đình Khánh Hưng tại sân khấu “Diễn đàn Nobel năm 2019”.
Ngày 26/8/2018, Tổ chức Kỷ lục châu Á trao chứng nhận xác lập Kỷ lục châu Á cho Nguyễn Khôi Nguyên. Tháng 10, Nguyễn Đình Khánh Hưng và em Triệu Khánh Phương 6 tuổi đã xuất sắc vào Top 5 chương trình “Biệt tài tí hon 2018”.
Cũng trong năm 2018, Hội đồng Liên minh Kỷ lục thế giới (World Kings) công nhận Nội dung Vua (Content is King) cho TS Phan Quốc Việt về "Phương pháp đào tạo và huấn luyện thành công giúp trẻ tự kỷ thành kỷ lục gia". Tại triển lãm quốc tế lần thứ 14 tổ chức tháng 12/2021, về các công trình sáng chế và thiết kế tại Kaohsiung, Đài Loan, thu hút hơn 412 công trình sáng chế, đổi mới mới từ 28 quốc gia, công trình “Kiến tạo hệ sinh thái thực chứng - Huấn luyện dịch chuyển người tự kỷ” của TS. Phan Quốc Việt được trao huy chương vàng và giải đặc biệt.
Tháng 5/2022, tại triển lãm Sáng tạo và Sáng chế châu Âu 14 tại Iasi - Romania, công trình Kiến tạo hệ sinh thái y sinh thực chứng (Khoa học Neuron, thể thao, nghệ thuật, tâm linh); Huấn luyện dịch chuyển trẻ tự kỷ (Không dùng thuốc và không xâm lấn) của các tác giả: TS. Phan Quốc Việt, Vũ Văn Chức, Lưu Anh Chức được trao huy chương vàng.
TS. Phan Quốc Việt (áo kẻ) cùng các thầy của Trung tâm và các con.
Đúng như nhận định của TS. Phan Quốc Việt, sáng tạo khởi nghiệp không bao giờ là quá muộn. Tôi đã từng nghe câu nói: “Trên thế gian này, đáng sợ nhất không phải là bạn không có gì trong tay, mà trái tim bạn không thiết tha một điều gì nữa”. Những đứa trẻ khi sinh ra không may mắn hoặc do hoàn cảnh tác động mà mang trong mình căn bệnh tự kỷ đã trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội. Thế nhưng, khi chúng ta còn yêu thương, còn đủ nhẫn nại để “chữa lành tâm bệnh” thì chúng sẽ hiểu được trên đời này vẫn còn nhiều điều ý nghĩa.
PV