“Vua sáng chế” giàu lòng nhân hậu
VLCA - Đồng cảm, khát khao kết nối, tìm hướng đi cho những người kém may mắn trong xã hội, giúp họ kiếm được một nghề nghiệp vững chắc để nuôi sống bản thân, tự tin, hoà nhập cộng đồng… Người ta vẫn thường gọi ông là “nhà sáng chế gàn” hay “tác giả của những sáng chế dưới 100 nghìn đồng”… Đó là GS.TS Trần Văn Tín – Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Thanh niên Việt Nam (ICEVN), đồng thời ông cũng là Phó Chủ tịch Hiệp hội Những người lao động sáng tạo Việt Nam.
GS.TS Trần Văn Tín - Phó Chủ tịch Hiệp hội VLCA
Hành trình sáng chế
Sinh ra trên mảnh đất Quảng Nam - Đà Nẵng, tuổi thơ của Trần Văn Tín là những ngày cùng bạn bè bán nước trà đá cho khách đi tàu để lấy tiền lãi, phụ giúp gia đình. Hoàn cảnh khó khăn khiến ông nung nấu quyết tâm chỉ có học giỏi mới mong thoát khỏi đói nghèo.
Đậu thủ khoa đại học Bách khoa thành phố Hồ Chí Minh (TP HCM) năm 1987; hơn 30 năm trước, cậu sinh viên Trần Văn Tín nhận được học bổng du học ở Nga chuyên ngành máy tính điện tử. Nhớ về những kỷ niệm đẹp trong 8 năm du học là “những ngày lang thang ở các chợ trời chuyên bán các đồ điện, điện tử để tìm tòi nghiên cứu”.
Việc “lang thang” ấy đã đưa ông đặt chân đến 14 nước khác nhau để tìm hiểu về công nghệ điện tử mới mẻ của Châu Âu. Sau khi nỗ lực lấy được bằng tiến sĩ, ông đã từ chối những cơ hội công việc ở nước ngoài, quyết tâm quay về nước để làm việc.
Do hoàn cảnh khó khăn, nhà nghèo, cha ngày một già đi, mẹ bệnh nặng, người em gái tật nguyền… Không đủ tiền trang trải chi phí nên Trần Văn Tín đã nảy ra ý nghĩ nhận sửa điện thoại ngay tại cổng bệnh viện để tiện chạy vào chăm sóc mẹ. Thời gian đó thật khó khăn, nhưng từ gian khổ đã hun đúc trong ông ý chí, nghị lực để không ngừng học hỏi và vượt lên. Bằng những kiến thức sẵn có cùng với sự tìm tòi, say mê sáng tạo, Trần Văn Tín đã nghiên cứu, chế tạo ra nhiều sản phẩm độc đáo, được nhiều người đón nhận…
Năm 2001, biết thông tin sóng của điện thoại di động có ảnh hưởng xấu đến tai người, bản thân Trần Văn Tín đã mày mò, thử nghiệm và cho ra đời sáng chế đầu tay mang tên “bộ chống xung động màng nhĩ tai khi nghe điện thoại di động” hay còn gọi “màng bảo vệ tai”.
Từ đó, các phát minh khác của ông lần lượt ra đời như bộ sạc pin điện thoại trên xe máy, thiết bị chống say tàu – xe… Năm 2004, Trần Văn Tín quyết định thành lập Công ty TNHH Tư vấn Công nghiệp Điện tử Việt Nam tại Bình Dương nhằm đưa những sáng tạo của mình vào cuộc sống.
Năm 2006, bộ ba sản phẩm tiết kiệm điện, gas và xăng của ICEVN đã vinh dự được nhận giải thưởng Sao Vàng Đất Việt, Cúp Sen Vàng, giải Cầu Vàng. Cá nhân ông còn được nhận danh hiệu doanh nhân tiêu biểu và “vua sáng chế”…
Đến năm 2008, ông Tín thành lập ICEVN - vừa là nơi sản xuất các sản phẩm mang thương hiệu Trần Văn Tín vừa là trung tâm đào tạo những thanh niên khuyết tật trên địa bàn TP HCM. Từ đây, hàng ngàn thanh niên khuyết tật được học nghề, có cơ hội việc làm, và tìm thấy niềm tin với cuộc sống.
Hiện nay, các sản phẩm của ICEVN khá đa dạng và ưu việt như tụ bù tiết kiệm điện, bóng đèn Led siêu tiết kiệm điện, ổ cắm sạc thông minh chống sét… với giá thành rẻ, phù hợp với nhiều nhu cầu của người tiêu dùng. Các sản phẩm này đều đã được cơ quan có thẩm quyền thẩm định chất lượng và cấp giấy phép sản xuất như Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng TP. HCM, cơ quan giám định của Phân viện Khoa học hình sự (Bộ Công an)…
Tụ bù tiết kiệm điện - sáng chế mang dấu ấn của GS Trần Văn Tín
Say sưa sáng chế và nỗ lực tìm tòi, nghiên cứu, Trần Văn Tín được Nhà nước phong học hàm Giáo sư khi mới ngoài 40 tuổi. Đặc biệt, ngày 24/2/2012, đại học NamBu (Hàn Quốc) đã trao bằng Giáo sư danh dự cho ông. Công ty Cổ phần Tập đoàn Thanh niên Việt Nam cũng đã liên kết hợp tác với nhiều đối tác ở Hàn Quốc như đại học NamBu, đại học HoNam, Hiệp hội Khuyết tật Kappd Seoul…
Ân tình dành cho người khuyết tật
Đến Trung tâm dạy nghề và việc làm cho thanh niên khuyết tật tại phường Trung Mỹ Tây, quận 12 mới thấy hết tấm lòng của GS.TS Trần Văn Tín. Có lẽ, hành trình trở thành “vua sáng chế” của ông không ít những chông gai, không ít những chật vật của cuộc sống. Thế nên, đó cũng chính là động lực để ông thoát khỏi cảnh nghèo khó và có thể giúp đỡ nhiều hoàn cảnh khó khăn khác.
Đến với người khuyết tật bằng sự đồng cảm - sự đồng cảm ấy bắt nguồn từ tình thương dành cho cô em gái khuyết tật của ông. GS Tín tâm sự: “Tôi muốn giúp các bạn khuyết tật “chiếc cần câu” để các bạn có thể tự lo cho cuộc sống của mình và có động lực hòa nhập hơn với cộng đồng. Để dạy nghề, lúc nào rảnh thì tôi lại lên lớp dạy, có khi đến tối thầy trò mới có thể ngồi lại dạy và học. Các học viên rất chăm chỉ và có ý chí, nên sớm bắt nhịp được với công việc”.
GS Trần Văn Tín (người đứng) đang hướng dẫn các học viên
Mỗi người một hoàn cảnh, một khiếm khuyết riêng nhưng dưới sự chỉ dạy nhiệt tình của thầy Tín, họ đã tìm được cho mình công việc phù hợp. Nhớ lại những ngày đầu khi mới mở Trung tâm, ông phải tìm cách sắp xếp công việc, cách truyền đạt, cách dạy dễ hiểu nhất với khả năng của từng người. Ông Tín chia sẻ: “Để có được ngày hôm nay, thầy trò chúng tôi đã trải qua rất nhiều khó khăn, nhưng hơn cả là niềm vui, niềm hạnh phúc khi được giúp đỡ, động viên nhau. Sung sướng nhất là lúc các em làm ra sản phẩm mới, được thị trường chấp nhận”.
Không thể nào kể xiết được niềm vui, niềm hạnh phúc khi mỗi ngày nhìn thấy những thế hệ học trò của mình được khỏe mạnh, tự lao động bằng khả năng của mình, được sống hòa đồng cùng cộng đồng và có môi trường để phát huy sáng tạo. Và cũng từ ngôi nhà này, nhiều bạn trẻ đã tìm được một nửa cho mình, cùng nhau xây đắp tổ ấm. Những mầm non đã được đơm hoa, kết trái, tô thắm, vun tròn cho cuộc đời không trọn vẹn.
GS Trần Văn Tín (áo trắng, đứng giữa) tổ chức đám cưới cho người khuyết tật
Với cái đầu sáng tạo, ông tạo ra nhiều sản phẩm độc đáo phục vụ cuộc sống; với trái tim nhân hậu, ông đã dẫn dắt, hỗ trợ nhiều người khuyết tật. Ông đã từng nói rằng, trong chúng ta ai cũng có ý chí muốn vươn lên, có nhu cầu khẳng định và đặc biệt là ý thức tồn tại, sống dựa vào chính bản thân mình.
Mặc dù cơ thể không lành lặn, những con người ấy vẫn có một sức sống lãnh liệt, muốn vươn lên, không đầu hàng số phận và ai cũng muốn tự nuôi sống được bản thân để không trở thành gánh nặng của gia đình.
Mang sứ mệnh kiến tạo và kết nối tạo công ăn việc làm cho thanh niên khuyết tật Việt Nam, vì cộng đồng những người kém may mắn trong xã hội, hơn 17 năm qua, Trung tâm đã dẫn dắt, hướng dẫn cho hàng nghìn người khuyết tật từ mọi miền đất nước, lớp lớp thế hệ học trò trưởng thành.
Nỗi niềm trong ông vẫn đau đáu: “Tôi mong sẽ mở rộng Trung tâm ICEVN cho người khuyết tật trên 63 tỉnh, thành trong cả nước. Bởi ở đó, các em không chỉ được học một nghề để tự nuôi sống bản thân mà còn có thể khẳng định được giá trị của mình”. Khi được hỏi về những dự định sắp tới, ông nở nụ cười hiền và nói, ông mong muốn sản xuất thêm nhiều nữa những sản phẩm không “đụng hàng” với thị trường, qua đó, tạo cơ chế xúc tiến thương mại và những người khuyết tật có cơ hội phát triển hơn nữa trong tương lai.
Tin rằng, những mong muốn mang ý nghĩa lớn lao kia sẽ sớm thành hiện thực bởi niềm tin, niềm say mê của ông dành cho sáng chế và tình yêu, lòng nhân hậu cho những người khuyết tật.